logo-header.png

Top 10 Công ty Dược Phẩm uy tín năm 2023 – GMPGroups

Chia sẻ:

Ngày 28/11/2023, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2023.

Top 10 Công ty Dược uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2023.

Danh sách 1: Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm uy tín năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2023, tháng 11/2023

Danh sách 2: Top 10 Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam uy tín năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2023, tháng 11/2023

Danh sách 3: Top 5 Công ty Đông dược Việt Nam uy tín năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2023, tháng 11/2023

“Sức đề kháng” của ngành dược trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm

Nhìn lại chặng đường từ đầu năm đến nay, sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh đầy khởi sắc trong 6 tháng đầu, sức cầu thấp trên diện rộng đã khiến đà tăng trưởng của ngành dược giảm tốc trong quý III và chứng kiến lợi nhuận phân hóa giữa các doanh nghiệp. So với kết quả khảo sát của Vietnam Report cách đây một năm, tỷ lệ số doanh nghiệp ngành dược tăng trưởng về doanh thu có sự sụt giảm trong khi ở chiều ngược lại, 26,3% số doanh nghiệp trong ngành ghi nhận doanh thu kém hơn cùng kỳ (+12,0% so với năm 2022). Tuy nhiên, xét chung 10 tháng đầu năm 2023, gam màu tích cực vẫn đóng vai trò chủ đạo trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, với đa số doanh nghiệp dược ổn định và duy trì nhịp tăng trưởng về doanh thu (73,7% số doanh nghiệp) và về lợi nhuận (78,9% số doanh nghiệp). Nhìn chung, với vị thế là một ngành thiết yếu, ít chịu ảnh hưởng từ những “rung lắc” của thị trường và sự suy giảm của kinh tế, trong bối cảnh ảm đạm của đa số lĩnh vực từ đầu năm đến nay, ngành dược dù không hoàn toàn “miễn dịch” song vẫn là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh.

Hình 1: Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm giai đoạn 2022-2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Dược, tháng 10-11/2022-2023

Tính đến thời điểm hiện tại, sau 10 tháng đầu năm 2023, tình hình chung của kênh phân phối thuốc ở các bệnh viện (ETC – thuốc có kê đơn) chứng kiến sự tăng trưởng khá tốt. Trong đó, đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của kênh này đến từ việc các quy chế đấu thầu thuốc trong bệnh viện đã được nới lỏng và thông thoáng hơn. Điển hình là Luật khám, chữa bệnh 15/2023/QH15 tạo điều kiện cho các bệnh viện công tự chủ về nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất để phù hợp với nhu cầu khám bệnh, khắc phục tình trạng ùn tắc tại bệnh viện, bệnh nhân phải chờ đợi do cơ sở y tế thiếu máy móc, thiết bị. Nhờ vậy, lưu lượng bệnh nhân tới khám, chữa bệnh tại bệnh viện gia tăng, thúc đẩy tiêu thụ sản lượng thuốc trên kênh ETC. Bên cạnh đó, việc gia hạn số đăng ký thuốc (Nghị quyết 80/2023/QH15) có hiệu lực từ tháng 1/2023, Thông tư số 06/2023/TTBYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến đấu thầu thuốc, giá thuốc có hiệu lực kể từ ngày 27/04 hay Nghị định số 07 và Nghị quyết số 30 ban hành vào tháng 3 của Chính phủ đã giải quyết phần nào những khó khăn trước mắt cho bệnh viện và doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, đặc biệt là việc tổ chức mua sắm đấu thầu và gia hạn giấy lưu hành thuốc, giúp hoạt động đấu thầu thuốc ETC sôi động hơn trong những tháng cuối quý II, lượng hàng cung cấp có dấu hiệu cải thiện và tương đối đầy đủ tại các bệnh viện, thuốc ngoại được nhập về nhiều hơn so với trước đây.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh ở mảng OTC (thuốc không kê đơn) có dấu hiệu đi ngang, thậm chí suy giảm nhẹ và đang trong giai đoạn “vàng thau lẫn lộn” – theo nhận định của phần lớn chuyên gia ngành dược chia sẻ với Vietnam Report. Trước tiên, sức mua qua kênh OTC bị ảnh hưởng phần nào bởi sức cầu yếu đi khi thu nhập người tiêu dùng giảm, theo đó đã duy trì tăng trưởng trong quý I, có xu hướng giảm từ quý II và đà tăng nửa cuối năm cũng gặp nhiều thách thức. Ngoài ra, sau thời kỳ dịch bệnh kéo dài, lợi dụng sự rối ren của thị trường trong giai đoạn nhu cầu sử dụng, tích trữ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm về đường hô hấp tăng đột biến, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đã bùng nổ trong khi việc kiểm soát chất lượng còn nhiều khó khăn, có những sản phẩm hàng giả, hàng nhái xuất hiện, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của thị trường dược.

Điểm lại những khó khăn từ đầu năm đến nay, top 5 khó khăn lớn nhất theo đánh giá của các doanh nghiệp dược bao gồm: (1) Kinh tế tăng trưởng chậm; (2) Cầu tiêu dùng yếu; (3) Biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; (4) Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành; và (5) Sức ép từ tỷ giá gia tăng. Trong năm 2023, biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào hay rủi ro từ chuỗi cung ứng, chi phí hậu cầu gia tăng không còn là các vấn đề nóng nhất như năm trước và nhường chỗ cho câu chuyện tăng trưởng chậm của nền kinh tế, song vẫn nằm trong top 5 thách thức được nêu tên. Trên thực tế, thị trường dược Việt Nam còn thiếu tính ổn định, do nguyên liệu sản xuất phụ thuộc tới 90% vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Sự phụ thuộc này khiến ngành dược nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá, giá nhập khẩu hay những cú sốc về nguồn hàng. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp đều tập trung sản xuất các loại thuốc phổ biến trên thị trường, trong khi đó các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại chưa nhận được sự quan tâm tương xứng. Các công ty dược trong nước hiện nay chủ yếu tập trung sản xuất các loại thuốc generic có giá trị thấp, giá rẻ, khả năng cạnh tranh kém, dẫn đến tình trạng vừa phải cạnh tranh với các loại thuốc generic nhập khẩu, vừa cạnh tranh nội bộ ngành. Do đó, tồn tại tình trạng sản xuất chồng chéo, tranh giành phân khúc thị trường.

Đánh giá uy tín truyền thông của doanh nghiệp dược

Kết quả phân tích Media Coding của Vietnam Report chỉ ra những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với ngành Dược bao gồm: Hình ảnh/ PR/ Scandals (19,7%); Cổ phiếu (12,2%); Tài chính/ Kết quả kinh doanh (11,9%); Sản phẩm (11,0%); và Trách nhiệm xã hội (7,6%).

Hình 2: Top 5 chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông giai đoạn 2020-2023

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành Dược từ tháng 10/2019-9/2023

Đây cũng là những nhóm chủ đề xuyên suốt trong 4 năm qua được nói đến nhiều nhất. Tổng hợp kết quả phân tích từ năm 2020 cho thấy nhóm chủ đề Hình ảnh/ PR/ Scandals có xu hướng gia tăng và xuất hiện nhiều hơn trong khi đó nhóm chủ đề Trách nhiệm xã hội tuy có sự cải thiện nhẹ trong năm 2023 song tần suất xuất hiện vẫn ở mức khiêm tốn. Đáng chú ý tỷ lệ tin tích cực tại cả hai nhóm chủ đề đều có chiều hướng đi xuống trong đó nhóm chủ đề Hình ảnh/ PR/ Scandals với tỷ lệ tin tiêu cực có xu hướng tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây, cụ thể tăng từ 2,5% trong năm 2021 lên 18,7% trong năm 2022 và 21,6% trong năm 2023.

Hình 3: Tỷ lệ tin tích cực – tiêu cực ở một số nhóm chủ đề giai đoạn 2020-2023

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành Dược từ tháng 10/2019-9/2023

Về chất lượng thông tin, doanh nghiệp được đánh giá là “an toàn” khi tỷ lệ chênh lệch giữa thông tin tích cực và tiêu cực so vơi tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10% và ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Theo kết quả thống kê 4 năm trở lại đây, chất lượng thông tin tuy đã cải thiện nhiều so với giai đoạn trước đó nhưng lại sụt giảm khá mạnh so với cách đây 1 năm, hiện duy trì ở mức xấp xỉ năm 2021. Cụ thể năm 2022 chỉ có 43,5% doanh nghiệp đạt ngưỡng trên 20%, giảm 14,1%, và cũng chỉ có 47,8% doanh nghiệp đạt ngưỡng trên 10%, giảm 15,8%.

Hình 4: Chất lượng thông tin doanh nghiệp ngành dược giai đoạn 2020-2023

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành Dược từ tháng 10/2019-9/2023

Nghiên cứu truyền thông của Vietnam Report chỉ ra rằng, các doanh nghiệp trong ngành còn tỏ ra khá bị động trong việc kiểm soát thông tin khi phần lớn thông tin về hoạt động của doanh nghiệp vẫn do báo chí tự khai thác.

Hình 5: Nguồn thông tin các doanh nghiệp ngành dược trên truyền thông giai đoạn 10/2020-9/2023

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành Dược giai đoạn 10/2020-9/2023

Đặc thù ngành Dược là tâm lý người dùng cuối cùng (người bệnh) dễ bị ảnh hưởng & dễ bị định hướng bởi tin giả (fake news) trên mạng xã hội. Vì vậy việc lắng nghe, theo dõi người dùng, kịp thời truyền tải nội dung qua các kênh truyền thông chính thống, đáng tin cậy, giúp người dùng hiểu đúng về sản phẩm là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng lòng tin với khách hàng, đồng thời có thể nhanh chóng nắm bắt và kịp thời xử lý nếu có tin tiêu cực/ rủi ro khủng hoảng truyền thông xảy ra với thương hiệu. 

Triển vọng trong năm 2024 và những năm tiếp theo

Theo dự báo của Tổ chức IQVIA, ngành dược phẩm Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu khoảng 8% trong giai đoạn 2019-2023. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report, trong những tháng còn lại năm 2023, ngành dược vẫn đối mặt không ít thách thức, đặc biệt là kênh OTC sẽ gặp nhiều rào cản trong việc duy trì tăng trưởng do tình hình phục hồi kinh tế vẫn chậm và chưa thể cải thiện trong ngắn hạn.

Mặc dù đưa ra lưu ý cần theo dõi sát sao tốc độ chuyển trạng thái của nền kinh tế và nguy cơ gia tăng chi phí đầu vào do diễn biến của các cuộc xung đột trên thế giới song nhìn chung, đa số doanh nghiệp vẫn đưa ra góc nhìn lạc quan về triển vọng của cả bản thân doanh nghiệp, ngành và nền kinh tế vào năm 2024. Đặc biệt, theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp, ngành dược nhiều khả năng sẽ phục hồi trước nhịp phục hồi của nền kinh tế và tình hình sẽ có những cải thiện đáng kể trong quý IV năm sau.

Hình 6: Triển vọng năm 2024 từ góc nhìn doanh nghiệp ngành dược

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Dược, tháng 10-11/2023

Về tầm nhìn dài hạn, Việt Nam được các tổ chức đánh giá là một trong những thị trường “dược phẩm mới nổi” – một nhóm các quốc gia có tỷ lệ thâm nhập dược phẩm tương đối thấp và tiềm năng tăng trưởng cao. Với dư địa phát triển lớn, ngành dược đang đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện và bứt phá trở thành một trong những trụ cột kinh tế. Trong đó, một số điểm sáng để kỳ vọng được chỉ ra, bao gồm:

Thứ nhất, quy mô dân số lớn, tốc độ già hóa nhanh, mức sống và trình độ dân trí ngày càng cải thiện: Một trong những nền móng cho tiềm năng phát triển của thị trường dược Việt Nam đến từ quy mô dân số lớn – trên 100 triệu dân và đang trong quá trình già hóa nhanh, nhu cầu nhu cầu được chăm sóc và điều trị bằng thuốc và dược phẩm ngày càng cao hơn và chi tiêu cho dược phẩm đang trên đà tăng trưởng mạnh. Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Thậm chí, đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số. Mặt khác, dù mức tiêu thụ dược phẩm bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước, song mức thu nhập của người dân đang có những cải thiện và nhận thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, nhất là kể từ sau đại dịch Covid-19. Đây là những yếu tố góp phần khiến mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành dược.

Thứ hai, cơ hội các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết: là động lực tăng trưởng của ngành dược trong thời gian tới, khi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược phẩm mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối, tiếp cận thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn chẳng hạn như EU-GMP. Doanh nghiệp dược có thể tận dụng các ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định như hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA),… để có thể tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường quốc tế. Đồng thời, các FTA thường đi kèm với việc khuyến khích chia sẻ kiến thức và công nghệ, cũng như tạo điều kiện cho hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa các quốc gia. Điều này có thể giúp ngành dược Việt Nam có cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới.

Thứ ba, các chính sách của Chính phủ và sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành: trong những năm qua, Chính phủ đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư để “chạy đua” thu hút nguồn lực phát triển ngành công nghiệp dược. Điển hình là mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được coi là kim chỉ nam cho sự phát triển của ngành dược cũng như các doanh nghiệp trong ngành. Với những mục tiêu cụ thể để góp phần tăng tính tự chủ, từng bước làm chủ công nghệ, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Bên cạnh đó, một động lực quan trọng tiên quyết đến triển vọng của ngành dược trong những năm tới đến từ sự linh hoạt, chủ động nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, nhanh nhạy nắm bắt các xu thế mới của doanh nghiệp trong ngành. Việc không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm, ứng dụng ngày càng nhiều dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu, vận hành sản xuất, tiếp thị cũng như các động thái triển khai liên kết với các đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài để có thể nâng nhanh quy mô tổng vốn, tài sản và tận dụng năng lực công nghệ sản xuất, kinh nghiệm của họ được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành này.

Chiến lược ưu tiên từ góc nhìn các doanh nghiệp đầu ngành

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report, ngành dược phẩm hiện không chỉ bó hẹp là ngành sản xuất, kinh doanh thuốc điều trị, thiết bị y tế nữa mà đã mở rộng với các sản phẩm đa dạng từ thuốc chữa bệnh, dược mỹ phẩm, sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe, “cosmeceutical” – mỹ phẩm thảo dược, các sản phẩm tiêu dùng có yếu tố thảo dược như tinh dầu… Kênh phân phối của ngành dược bây giờ cũng không chỉ tập trung vào nhà thuốc và bệnh viện như trước đây mà đã mở rộng sang các kênh tiêu dùng khác. Điển hình như kênh thương mại điện tử đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về tiêu thụ các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Bên cạnh đó, hệ thống chuỗi nhà thuốc phát triển mạnh mẽ, tạo lợi thế cạnh tranh trong mảng bán lẻ và gây áp lực cho các nhà thuốc truyền thống, hứa hẹn tạo ra những thay đổi khác biệt cho bức tranh toàn ngành.

Với những thay đổi nhanh chóng trên của thị trường, mức độ cạnh tranh ngày càng tăng cũng như tác động mạnh mẽ từ những tiến bộ công nghệ, việc chủ động xoay trục chiến lược sản xuất – kinh doanh phù hợp, định vị hình ảnh, thương hiệu, tận dụng những thế mạnh vốn có và đổi mới linh hoạt trên nhiều phương diện để đón đầu các xu thế được cho là nhiệm vụ thiết yếu để các doanh nghiệp ngành dược nâng cao sức cạnh tranh, khẳng định vị trí của bản thân trong trật tự mới của thị trường.

Hình 7: Một số chiến lược được các doanh nghiệp ngành dược ưu tiên áp dụng

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Dược, tháng 10-11/2023

Khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp đầu ngành dược đã ghi nhận một số chiến lược trọng tâm theo từng mốc thời gian khác nhau.

Trong ngắn hạn, (1) Tập trung xây dựng nhóm hàng chiến lược có doanh số lớn và lợi nhuận cao, (2) Nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, đẩy mạnh marketing, (3) Đa dạng kênh phân phối, (4) Tăng cường ứng dụng công nghệ trong vận hành và tiếp thị bán hàng, (5) Đầu tư nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế là Top 5 ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp ngành dược.

Giữa bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều yếu tố bất lợi, 47,4% số doanh nghiệp dược cho rằng việc tập trung vào một nhóm hàng chiến lược sẽ được ưu tiên triển khai trong ngắn hạn để giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, tập trung nguồn lực trong nghiên cứu và phát triển, cũng như quảng cáo, tiếp thị. Việc xác định thế mạnh, những sản phẩm mũi nhọn của mình giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình thiết lập thương hiệu và uy tín trên thị trường, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chiến lược Nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, đẩy mạnh marketing cũng nhận được nhiều sự quan tâm của những cái tên đầu ngành trong một năm tới. Đáng chú ý, ngoài các công cụ marketing truyền thống, có những doanh nghiệp dược đã lựa chọn tạo uy tín thương hiệu, xây dựng cảm tình thương hiệu thông qua trách nhiệm xã hội (CSR). Sự thay đổi trong nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đã khiến doanh nghiệp thay đổi tư duy: thiết lập các chiến lược marketing không chỉ để khách hàng biết đến tên doanh nghiệp mà còn phải truyền đạt và nhấn mạnh được giá trị cốt lõi, sứ mệnh cao đẹp của doanh nghiệp tới khách hàng. Một điểm đặc biệt khác được các doanh nghiệp chia sẻ là sự đánh giá cao sức mạnh của marketing truyền miệng (Word Of Mouth). Nếu như trước kia marketing truyền miệng bị giới hạn bởi khoảng cách vật lý và thời gian thì giờ đây nhờ vào phương tiện truyền thông xã hội, những gì khách hàng chia sẻ có thể tiếp cận với hàng triệu người dùng và có tiềm năng phát triển theo cấp số nhân với mỗi lượt chia sẻ, đăng lại. Do đó, doanh nghiệp có thể định hướng lấy khách hàng làm trung tâm, chú trọng tạo ra trải nghiệm khách hàng tích cực và sự hài lòng xuyên suốt hành trình khách hàng từ khi bắt đầu tìm kiếm thông tin sản phẩm, mua hàng cho đến trải nghiệm các dịch vụ hậu mãi, từ đó, thúc đẩy Word Of Mouth – biến khách hàng thành kênh tiếp thị cho thương hiệu thông qua chia sẻ trải nghiệm của bản thân.

Các doanh nghiệp dược cũng đẩy mạnh quá trình nâng cấp tiêu chuẩn sản xuất lên GMP – ASEAN → GMP – WHO → PIC/S → EU – GMP và các tiêu chuẩn tương đương nhằm thích ứng với yêu cầu về chất lượng ngày càng gia tăng và phù hợp quá trình toàn cầu hóa của ngành y dược Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới. Song song với đó, tích cực hoàn thiện chuỗi phân phối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, mở rộng đa kênh cả bán trực tiếp, qua trung gian hay các sàn thương mại điện tử,.., đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 trong các hoạt động, áp dụng các phần mềm tiên tiến vào công tác quản trị để tối ưu chi phí và tăng hiệu suất, chẳng hạn như ứng dụng các phần mềm ERP trong sản xuất, quản trị công ty, phần mềm DMS quản trị kênh phân phối để tạo ra cơ hội đổi mới trong một ngành công nghiệp ngày càng đòi hỏi sự hiện đại hóa và linh hoạt.

Khác với ngắn hạn, Nghiên cứu các dược phẩm mới và Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường lần lượt chiếm hai vị trí ưu tiên hàng đầu trong Top 5 các chiến lược dài hạn.

 Mặc dù Việt Nam có những thế mạnh nhất định, nhất là trong lĩnh vực sản xuất vắc-xin, khi đã tự sản xuất được 11/12 loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng song nhìn chung, sản lượng thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thị trường và các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài cũng có giá trị rất khiêm tốn. Các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại chưa nhận được nhiều sự quan tâm của phần lớn các doanh nghiệp. Do đó, việc nghiên cứu các dược phẩm mới được 63,2% số doanh nghiệp lựa chọn là chiến lược được ưu tiên nhất trong dài hạn đặt ra cơ hội phát triển bền vững cho cả ngành dược. So với các ngành khác, dược phẩm phát minh là ngành có sự đầu tư mạnh mẽ nhất vào đổi mới sáng tạo, cần phải đầu tư công nghệ mới, các dạng bào chế mới, công nghệ chiết xuất để cải tiến các sản phẩm chiến lược cũng như sáng tạo ra các sản phẩm mới, “đi tắt, đón đầu” trong đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển các loại thuốc sinh học, thuốc phát minh… nhằm tận dụng tiềm năng về trình độ khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong nước. Để làm được điều đó, cần đảm bảo ba yếu tố quan trọng: một là nguồn dược liệu sạch với hàm lượng hoạt chất cao, hai là “công thức”, bài thuốc tốt và ba là công nghệ bào chế hiện đại.

Dù chưa tới 10% số doanh nghiệp lựa chọn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường thuộc top 5 chiến lược ưu tiên trong ngắn hạn, song về dài hạn, chiến lược này có tới 47,4% số doanh nghiệp khẳng định là trọng tâm trong hoạt động của doanh nghiêp. Việc hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo “chuỗi giá trị”, đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, ý thức bảo tồn nguồn gen dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường trước hết tác động tích cực tới chính bản thân doanh nghiệp, giúp quản lý tốt hơn nguồn cung nguyên liệu và tài nguyên. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp dược phẩm, nơi nguồn gốc và chất lượng nguyên liệu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm và uy tín của công ty. Hơn nữa, ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm có ảnh hưởng ít đến môi trường và đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường để duy trì và tăng cường hình ảnh thương hiệu. Ngoài ra, đây không chỉ là vấn đề trách nhiệm xã hội mà còn liên quan đến quản lý rủi ro doanh nghiệp. Các biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường có thể tạo ra những rủi ro lớn đối với hoạt động kinh doanh, và việc tích cực đối phó với những thách thức này là cần thiết. Thêm vào đó, việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường còn giúp doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào thị trường quốc tế, nơi có nhiều tiêu chuẩn và quy định chặt chẽ hơn.

Nằm trong top 3 chiến lược ưu tiên trong dài hạn của doanh nghiệp ngành dược, việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu được kỳ vọng giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô thị trường, mang lại cơ hội tiếp cận đối tượng khách hàng mới và đa dạng hóa nguồn doanh thu, giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến động trong một thị trường cụ thể. Tuy nhiên, thực hiện thành công chiến lược này cũng không dễ dàng. Để gia nhập các thị trường lớn với các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất và chất lượng cũng đặc biệt khắt khe, ngành dược phải có những “cánh chim đầu đàn”, những doanh nghiệp tiên phong có năng lực, có khả năng và sẵn sàng đầu tư quy mô lớn vào nghiên cứu và trang bị công nghệ sản xuất, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn.

Tạo bệ phóng tăng trưởng từ chính sách

Nhìn vào sự phát triển của ngành dược ở Singapore, mặc dù không có lợi thế về diện tích và dân số, nhưng quốc gia này vẫn thành công trong việc xây dựng vị thế trung tâm sản xuất dược phẩm, nghiên cứu và phát minh trong 2 thập kỷ qua. Thành công này chủ yếu nhờ vào việc Chính phủ Singapore đã đề ra chiến lược phát triển khoa học y sinh (BMS) và ưu tiên ngành dược phẩm ở cấp quốc gia từ những năm 2000.  Trong khi đó, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có hơn bốn nghìn loài cây làm thuốc với nhiều dược liệu quý và có nền móng y học cổ truyền sử dụng cây thuốc nam vững chắc, có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, thế mạnh về nguồn dược liệu và nền y học cổ truyền của nước ta chưa được phát huy đầy đủ. Lời giải cho bài toán phát triển ngành kinh tế dược liệu lớn mạnh, xuất khẩu và cạnh tranh được ở trong nước cũng như nước ngoài và nhìn rộng hơn, đưa Việt Nam trở thành trung tâm dược phẩm của khu vực, phát triển ngành dược trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia không dễ dàng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong ngành cũng như những chính sách hỗ trợ, chiến lược ưu tiên từ phía Chính phủ.

Trong những năm qua, Chính phủ quan tâm và đã có nhiều quy hoạch phát triển dược liệu, các thông tư nghị định về việc phát triển dược liệu, phát triển cây thuốc quốc gia, quy hoạch các vùng trồng dược liệu trên cả nước. Năm 2023, nhiều quy định, chính sách liên quan đến ngành Dược đã được ban hành (Nghị quyết 80/2023/QH15, Nghị định 07/2023/NĐ-CP, Nghị quyết số 30/NQ-CP, Thông tư số 06/2023/TT-BYT, Luật Đấu thầu 2023,…) giúp các doanh nghiệp dược dần tháo gỡ được khó khăn, đảm bảo sản xuất, phát triển kinh doanh. Mới đây, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã được phê duyệt, trở thành kim chỉ nam cho hướng phát triển của các doanh nghiệp trong ngành. Thông qua những chính sách này, Chính phủ đã từng bước tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập tồn tại về cơ chế chính sách y, dược thông qua việc ban hành nhiều chính sách, quy định, hành lang pháp lý.

Theo góc nhìn của doanh nghiệp ngành dược, top 5 chính sách được kiến nghị ưu tiên đã được chỉ ra. 73,7% doanh nghiệp cho rằng tập trung hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về hoạt động sản xuất và lưu thông, phân phối thuốc, các cơ chế, chính sách đặc thù để hoàn thiện hệ sinh thái bền vững cho ngành dược, mở ra cơ hội đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước là yếu tố then chốt đưa ngành dược phát triển. Bên cạnh đó, khung pháp lý phải đảm bảo tính linh hoạt, có các cơ chế thử nghiệm tạo môi trường đổi mới sáng tạo khi mà thời cơ, công nghệ đang thay đổi liên tục. Trao đổi với Vietnam Report, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong ngành chia sẻ rằng hoạt động đầu tư phát triển vùng dược liệu, phát triển sản phẩm đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn nên rất cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu ra như các hoạt động xúc tiến thương mại hoặc những ưu tiên trong phân phối thuốc, từ đó mới có thể khuyến khích “cánh chim đầu đàn” dẫn dắt phát triển ngành dược Việt lớn mạnh.

Thứ hai, trong giai đoạn “vàng thau lẫn lộn”, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đã bùng nổ, hàng nhái nhiều, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến xấu đến thị trường dược nói chung, doanh nghiệp kỳ vọng công tác kiểm tra, kiểm soát tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái sẽ được tăng cường, thanh lọc thị trường, tạo môi trưởng phát triển lành mạnh cho ngành. Trong đó, siết chặt việc “dược liệu rác” không đủ chất lượng, có hàm lượng hoạt chất rất thấp, không có nguồn gốc xuất xứ từ bên ngoài nhập vào Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh tiêu chuẩn cấp phép cũng như công tác hậu kiểm chất lượng các sản phẩm lưu hành trên thị trường.

Ngoài ra, hoàn thiện và minh bạch quy trình đấu thầu thuốc tại các bệnh viện (kênh ETC) và phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dược, ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ, phân tích dữ liệu ngành dược ghi nhận sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ bình chọn của các doanh nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu quy hoạch cho ngành phát triển đồng bộ, minh bạch, hỗ trợ quá trình nghiên cứu và phát triển mới trong ngành dược, giúp xác định xu hướng, nhu cầu thị trường và cơ hội mới, tối ưu hóa quy trình phát triển.

Hình 8: Top 5 chính sách trọng tâm theo kiến nghị của doanh nghiệp ngành dược

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Dược, tháng 10-11/2023

Thông qua những tiến bộ trong nghiên cứu và sản xuất, sự nhạy bén với các phương pháp, công nghệ mới, doanh nghiệp ngành dược đã và đang nhanh chóng bắt kịp với xu hướng thị trường, cải tiến liên tục để cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của toàn xã hội. Việc phát triển ngành cần dựa trên nền tảng khoa học, với lộ trình kiến tạo một hệ sinh thái phát triển lành mạnh dựa trên cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, hội nhập sâu rộng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam trong khu vực và thế giới. Do đó, song song với những hỗ trợ từ phía Chính phủ, các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp cũng cần sự liên kết chặt chẽ để đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các sản phẩm dược mới, thuốc biệt dược, thuốc phát minh,… trong khi giữa các doanh nghiệp cũng cần sự hợp tác, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo lợi thế gia tăng tiềm lực tài chính, tận dụng cơ sở vất chất, vùng trồng dược liệu và công nghệ sẵn có và mạng lưới hoạt động, từ đó góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của Việt Nam đối với ngành y dược. Dù thị trường còn nhiều ẩn số, song nhìn chung, với dư địa phát triển lớn, ngành dược đang đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện và bứt phá trở thành trụ cột kinh tế trong thời đại mới.

 Vietnam Report 

Quý khách hàng có nhu cầu THIẾT KẾ – THI CÔNG PHÒNG SẠCH – HỆ THỐNG CƠ ĐIỆN xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:

GMP Groups là nhà thầu  TƯ VẤN THIẾT KẾ – THI CÔNG PHÒNG SẠCH – HỆ THỐNG CƠ ĐIỆN 

CÔNG TY CỔ PHẦN GMP GROUPS

Địa chỉ: số 273 Hoa Ban, KĐT Sinh thái Ecoriver, P. Hải Tân, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương

Hotline/zalo: 0945.255.457 – Website: gmpgroups.com.vn – Email: info@gmpgroups.com.vn